Dù việc phổ cập tiếng Anh còn khó khăn,
các chuyên gia đồng tình với đề xuất sớm công nhận đây là ngôn ngữ thứ hai của
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Trong Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp
2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ
trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Thủ tướng sớm công
bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Trả lời về
đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ
thông, cho rằng Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối
là tiếng Anh. Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt
Nam, theo ông, "trước sau cũng phải thực hiện".
Sử dụng tiếng Anh góp phần nâng cao giá trị bản thân
Theo ông
Thuyết, công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học
tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau
này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong
khối ASEAN.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc công nhận tiếng Anh như
ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học tiếng Anh. Ảnh: Mạnh
Thắng.
|
Cùng quan
điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ
GD&ĐT, cũng nhận định tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo
công dân toàn cầu.
"Xã
hội các quốc gia nói tiếng Anh của phương Tây khá phát triển và rất nhiều nguồn
tài liệu về khoa học, công nghệ được công bố bằng tiếng Anh. Những người sử
dụng tiếng Anh hiệu quả sẽ có cơ hội nâng cao giá trị của bản thân, làm giàu
tri thức của mình bằng việc cập nhật tri thức của nhân loại”, ông Vinh đánh
giá.
Chuyên gia
giáo dục, TS Vũ Thu Hương, bổ sung vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đó là
không chỉ tiếng Anh, trẻ có thể học nhiều thứ tiếng khác nữa như Italy, Pháp,
Tây Ban Nha… Càng biết nhiều, học được nhiều thứ tiếng, các em sẽ càng có nhiều
thuận lợi hơn trong giao dịch với thế giới.
"Cần
phải sử dụng tiếng Anh như công cụ và làm sao để nó trở thành công cụ thật sắc
bén cho mình", nữ tiến sĩ nói.
Làm sao để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai?
Tuy nhiên,
để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, theo giáo sư Thuyết,
cần phải nhận thức rõ những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta. Ở Việt Nam, tiếng
Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa
phải số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn.
Giáo sư
Thuyết cho rằng đề xuất trên phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông
qua. "Cần phải xem nó có phù hợp Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định
tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội
đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ
lưỡng", GS Thuyết nói.
Bên cạnh
đó, nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, cần phải có sự thay đổi
trong chương trình giáo dục, số tiết học tiếng Anh phải nhiều hơn hiện nay.
GS Thuyết
cũng đặc biệt nhấn mạnh động cơ học của trẻ, bởi việc học ngoại ngữ phải được
các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng
dẫn những bước cơ bản.
"Khi
có động cơ, người ta sẽ tranh thủ học bằng mọi cách. Nhà trường chỉ cung cấp
kiến thức cơ bản, còn mỗi cá nhân phải chủ động học thêm, như tự đọc sách, báo,
nghe đài bằng tiếng Anh", GS nói.
Ông ví dụ
tại Hy Lạp, học sinh, sinh viên thường đến các trung tâm du lịch để xin làm bồi
bàn, bồi phòng hay hướng dẫn viên du lịch để học tiếng Anh. Bởi nếu không có
tiếng Anh, sau khi ra trường, một thanh niên sẽ không kiếm được việc làm có thu
nhập cao.
Nguồn: Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét