luyện viết tiếng Anh

Hãy học và viết tiếng Anh hàng ngày

Học tiếng Anh

Học một ngôn ngữ là một quá trình dài

dạy tiếng anh cho trẻ em

Cho trẻ em đi học tiếng Anh ngay từ nhỏ

Lớp học tiếng Anh cho trẻ em

Lớp học tiếng Anh cho trẻ em tại Hà Nội

Luyện thi tiếng Anh

Học tiếng Anh mỗi ngày để có được kết quả tốt nhất

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

​Các trung tâm Tiếng Anh tại Việt Nam sẽ được kiểm định và quản lý chất lượng chặt hơn

Diễn đàn Giáo dục thế giới EWF 2019 đã khép lại, đoàn Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp cho sự thành công của hội nghị. Đồng thời trong những chuyến công tác đến với các trường đại học, các tổ chức của Vương Quốc Anh đã có những biên bản ghi nhớ, thoả thuận và hợp tác được kí kết trong đó có nội dung quan trọng là Thỏa thuận Hợp tác được ký kết giữa Hội đồng Anh và Đề án ngoại ngữ quốc gia.

Bên lề Diễn đàn Giáo dục thế giới EFW 2019 tại Anh lần này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thăm, làm việc với Đại học Cambridge, Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác trong lĩnh vực khảo thí, xuất bản.

Phát biểu tại đây Bộ trưởng cũng chia sẻ những thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam và những ưu tiên triển khai chương trình trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới việc dạy và học tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới và kỳ vọng của Việt Nam để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.

​Các trung tâm Tiếng Anh tại Việt Nam sẽ được kiểm định và quản lý chất lượng chặt hơn


Bộ trưởng tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa Đề án ngoại ngữ quốc gia của Việt Nam với các trường đại học tại Anh sẽ tạo cơ hội cho người học Việt Nam tiếp cận cơ hội đào tạo tiếng Anh chất lượng cao, đồng thời giúp xây dựng được một đội ngũ cán bộ khảo thí chuyên sâu cho Việt Nam.

Bằng việc ký kết phụ lục thỏa thuận hợp tác với Đề án ngoại ngữ quốc gia, Hội đồng Anh, đơn vị đồng phụ trách với Tổ chức English UK về chương trình Accreditation UK, một chương trình đảm bảo chất lượng cho những đơn vị giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ tại Vương Quốc Anh với cam kết kết nối, hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo chất lượng dạy và học tiếng Anh và trong đó một phần quan trọng là đảm bảo quyền lợi của người học thông qua hoạt động kiểm định các trung tâm tiếng Anh.

Không khí buổi lễ kí kết thoả thuận hợp tác giáo dục giữa Việt Nam- Anh.
Không khí buổi lễ kí kết thoả thuận hợp tác giáo dục giữa Việt Nam- Anh. 

Bên cạnh đó, Hội đồng Anh và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cam kết tìm kiếm các phương thức phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực giảng dạy cho giáo viên phổ thông và giảng viên đại học, cao đẳng; Khảo thí và đánh giá tiếng Anh; Kiểm định và chuẩn hóa; và Tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh. 

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh
Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh 

Song song với các đề xuất hoạt động hợp tác bao gồm hội thảo, trao đổi chuyên gia trong năm 2019, Hội đồng Anh và các đối tác của Anh cũng đã lắng nghe các nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt về đào tạo giáo viên, việc ứng dụng công nghệ trong việc học và dạy ngoại ngữ – trong đó có ứng dụng học ngoại ngữ và nâng cao chuyên môn thường xuyên dùng trên điện thoại thông minh.

Đây là một trong những giải pháp hiệu quả cho quốc gia với gần 84% người sử dụng điện thoại di động dùng điện thoại thông minh, hay việc áp dụng phương pháp blended learning – phương pháp học linh hoạt kết hợp học tại lớp và học trực tuyến - trong công tác đào tạo nâng cao chuyên môn thường xuyên cho giáo viên ở các tỉnh,

Phát biểu bên lề buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ và CEO Hội đồng Anh, Ngài Ciarán Devane, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: "Giáo dục vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Vương quốc Anh, thông qua Hội đồng Anh tại Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa, góp phần vào quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua việc trao đổi kinh nghiệm cũng như chuyên môn trong các lĩnh vực quan tâm chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Nguồn: Giáo dục và thời đại

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Con rối loạn ngôn ngữ vì học tiếng Anh sai, cha mẹ lại tưởng thần đồng

Các chuyên gia cảnh báo cha mẹ ép con học ngoại ngữ sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ do học tiếng Anh không đúng cách Với những trẻ có rắc rối tiềm ẩn về ngôn ngữ, việc chưa thạo tiếng mẹ đẻ đã tiếp xúc ngoại ngữ sẽ khiến vấn đề của các em phức tạp hơn.

Có gia đình nộp 100 triệu đồng/năm cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội, xin tư vấn về ngôn ngữ.

Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Do không biết, trước đó, phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách. 

Kể lại câu chuyện trên, cô giáo trẻ Cù Thị Lý cho biết đó chỉ là một trong số rất nhiều trẻ có vấn đề về ngôn ngữ khi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục. Phần lớn trẻ đến đây thăm khám khi 2-3 tuổi, nhiều bé chưa biết nói.

Theo một số chuyên gia, nhiều phụ huynh ép con học tiếng Anh hơn cả tiếng Việt ngay từ lúc chưa đến trường hoặc để trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng lên mạng học ngoại ngữ cả ngày mà không có sự hướng dẫn, tương tác, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các bé. 
Loạn ngôn ngữ vì học tiếng Anh sai phương pháp

Chị Lý kể bé Na (đã đổi tên) được bố mẹ đưa đến trung tâm lúc 2,5 tuổi, khi gia đình phát hiện em không chủ động được ngôn ngữ. Qua kiểm tra, tiếp xúc, các chuyên viên về tâm lý, trị liệu cho biết không chỉ ngôn ngữ, mà hành vi, cảm xúc của Na cũng có vấn đề.

Khó khăn lớn nhất khi điều trị là bé chỉ thích nói tiếng Anh, với các từ rời rạc, câu tự phát. Nhưng khi hỏi, Na không đối đáp được. 

Cô giáo Cù Thị Lý đang trị liệu cho trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ.
Cô giáo Cù Thị Lý đang trị liệu cho trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ. 

Tương tự Na, hơn một năm trước, bé Nam cũng chỉ thích nói tiếng Anh mà bỏ qua tiếng mẹ đẻ. Ban đầu, bố mẹ bé rất tự hào vì con giỏi ngoại ngữ, được nhiều người gọi là thần đồng. Thấy vậy, cha mẹ càng khuyến khích con chỉ nói tiếng Anh mà không học tiếng Việt.

Các chuyên gia cảnh báo việc để trẻ học tiếng Anh không đúng cách có thể không tốt cho sự phát triển của trẻ. "Không đúng cách" ở đây được hiểu là ép trẻ học tiếng Anh hơn cả tiếng mẹ đẻ một cách quá mức, dù chưa đến trường và để con xem video trên mạng nhiều giờ mà không có sự hướng dẫn, tương tác.

Ví dụ trường hợp của bé Na, bố làm xây dựng, mẹ kinh doanh. Không có nhiều thời gian, họ sử dụng điện thoại như "bảo mẫu" từ khi con mới ba tháng tuổi. Na xem điện thoại cả ngày, chỉ trừ lúc đi ngủ. Bé thích các bài hát, học tiếng Anh qua video trên mạng.

Chị Lý cho rằng khả năng ngoại ngữ của Na chỉ là “chụp hình”, chứ bé không hiểu được vấn đề, sự vật và hiện tượng. Do đó, em cũng không có khả năng giao tiếp. Hiện tại, Na 4 tuổi, vừa học mẫu giáo trường công lập, vừa tham gia trị liệu, ngôn ngữ và có biến chuyển tích cực.

Theo các chuyên gia trị liệu, không chỉ Na, nhiều bé học và nói tiếng Anh tự phát kiểu "cây nhà lá vườn", do cha mẹ gây áp lực, muốn con phải giỏi từ sớm, hoặc xem trên mạng. Thậm chí, không ít phụ huynh muốn con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt nên đổ tiền đầu tư cho ngoại ngữ.

TS.BS Lã Thị Bưởi - chuyên khoa Tâm thần học, giảng viên chính Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - cho hay trẻ sinh ra trong gia đình nói cả hai ngôn ngữ cũng có thể bị rối loạn.

TS Bưởi từng tư vấn cho gia đình có mẹ người Việt, bố người Nhật, họ sử dụng cả tiếng Anh. Trẻ 27 tháng không biết nói khiến bố mẹ lo lắng. Nữ tiến sĩ khuyên nên để trẻ giao tiếp được bằng tiếng Việt (là nơi gia đình đa ngôn ngữ của bé sinh sống) trước khi tiếp cận ngôn ngữ khác, trong đó có ngôn ngữ của bố.

Trong khi đó, thạc sĩ Lã Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục - cho rằng trẻ vẫn có thể tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nhưng nên khống chế thời lượng, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn. 
Nên điều trị từ dưới 3 tuổi

Hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ Bưởi bày tỏ việc rối loạn ngôn ngữ của trẻ thường kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí hơn 2 năm. 

Trẻ có vấn đề về ngôn ngữ sẽ được giáo viên hướng dẫn làm các bài trắc nghiệm để kiểm tra vốn từ, phản xạ. Nếu bị loạn ngữ mà không được điều trị, trẻ khó hòa đồng khi đi học, sau đó kéo theo các hệ lụy tâm lý như cáu gắt, bạo lực. Việc can thiệp vào ngôn ngữ với bé từ 3 tuổi trở lên sẽ khó hơn khi còn nhỏ.
Cô giáo Cù Thị Lý đang trị liệu cho trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ.
Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng trẻ có thể tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nhưng với thời lượng ít, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn.


Ngoài nguyên nhân chủ quan đến từ cha mẹ, chị Cù Thị Lý cho hay trẻ bị vấn đề về tai, mũi, họng, ảnh hưởng từ chứng bệnh bại não, hoặc do di truyền, cũng có thể khiến rối loạn ngôn ngữ.

Theo thạc sĩ Lã Linh Nga, từ năm 2005, khi việc học tiếng Anh còn chưa thịnh hành như hiện nay, bà đã tiếp nhận trường hợp trẻ loạn ngữ do sinh ra trong môi trường có cha mẹ sử dụng hai thứ tiếng khác nhau. 

Trong giai đoạn 2010-2014, số lượng học sinh khám tại trung tâm tăng gấp đôi. Từ năm 2014 đến nay, nhiều trung tâm, bệnh viện mở dịch vụ khám tâm lý, ngôn ngữ, vì nhu cầu của phụ huynh tăng. Điều này được lý giải là khoảng 5 năm nay, smartphone, iPad trở nên thông dụng. Nhiều cha mẹ muốn con học ngoại ngữ sớm nhưng lại sai cách, trong đó có việc tự xem video trên mạng.

Theo thạc sĩ Lã Linh Nga, khi trẻ nói tiếng Anh nhờ xem từ các công cụ này, cha mẹ cứ tưởng con mình là thần đồng, nhưng đó chỉ là "vỏ ngôn ngữ". Như vậy, bố mẹ vô tình làm cho trẻ “trượt” qua các ô rối loạn mà không hay biết.

Bà Nga thông tin sau 15 tháng tuổi, cha mẹ có thể theo dõi việc con phản xạ với lời nói. Đến 2 tuổi, nếu thấy con tiếp xúc mắt với mắt, tương tác ngôn ngữ, cử chỉ chậm, phụ huynh có thể đưa đi khám ngay. Trẻ có thể bị rối loạn đơn thuần hoặc rối loạn lẫn tự kỷ. Các bé sẽ được trị liệu một thầy một trò hay theo nhóm.
Nguồn: Zing

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Học sinh Hà Nội nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày

Hà Nội vừa thông báo về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo đó, học sinh các trường được nghỉ liên tục 10 ngày.

Cụ thể, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội và trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội được nghỉ 10 ngày liên tục (kể cả thứ bảy và chủ nhật).

Thời gian nghỉ từ ngày 1/2 (thứ sáu ngày 27 tháng chạp năm Mậu Tuất) đến hết ngày 10/2 (chủ nhật, ngày mùng 6 tháng giêng năm Kỷ Hợi).

Cán bộ, giáo viên, nhân viên được nghỉ Tết 9 ngày liên tục, từ ngày 2/2 (thứ bảy ngày 28 tháng chạp năm Mậu Tuất) đến hết ngày 10/2 (chủ nhật ngày mùng 6 tháng giêng năm Kỷ Hợi).

Hoc sinh Ha Noi nghi Tet Nguyen dan 10 ngay hinh anh 1
Học sinh Hà Nội được nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tùy điều kiện kinh tế, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tổ chức chu đáo việc thăm hỏi, trợ giúp đối với cán bộ, giáo viên, các gia đình thuộc diện chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết...

Nhà trường phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục đến học sinh, sinh viên trọng tâm thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu các đơn vị không tham gia đua xe, không chơi cờ bạc và tệ nạn xã hội; không thực hiện vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ hoặc các trò chơi nguy hiểm khác.

Chúc Tết gia súc và những phong tục đón năm mới kỳ lạ nhất thế giới Tại hầu hết quốc gia trên thế giới, người dân đón năm mới vào ngày 1/1. Một số nơi cầu may bằng các phong tục kỳ lạ như ăn nho, ném đồ, đánh nhau hay chúc Tết gia súc.
Nguồn: Zing

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

3 bước khởi đầu lớn “nhanh mà chắc” cho người mất gốc tiếng Anh

Bạn bị mất gốc, bạn thấy tự ti, bạn nghĩ mình không bao giờ học nổi tiếng Anh và luôn trì hoãn việc học? Bài viết này chính là dành cho bạn!

Khởi đầu với những mục tiêu đủ lớn

Khi làm bất cứ điều gì, bạn cần phải biết mục tiêu và kết quả cuối cùng đạt được là gì. Hãy trả lời câu hỏi sau: Giỏi tiếng Anh giúp bạn đạt được điều gì? Viết ra giấy, nhắm mắt lại và tưởng tượng ra những hình ảnh này, khi tiếng Anh cho bạn hưởng trái ngọt:

- Bạn bè, đồng nghiệp, người thân nhìn bạn với ánh mắt ngưỡng mộ;

- Bạn đươc săn đón ở những công ty hàng đầu với mức lương cao ngất ngưởng;

- Bạn nhận được đề xuất thăng tiến lên vị trí cấp cao;

- Bạn tự tin làm việc với Tây mà không phải e dè vì rào cản ngôn ngữ.

Còn gì nữa? Bạn hãy điền nốt vào nhé, chỉ cần câu trả lời đó khiến bạn thấy lâng lâng, hào hứng muốn bắt tay ngay vào học tiếng Anh. Hãy vẽ nó ra, ghim lên bàn làm việc nơi dễ nhìn nhất, cài đặt những khao khát và cảm xúc khi gặt hái "trái ngọt" vào tiềm thức của bạn mỗi ngày. Đó là cách để bạn "sạc đầy" động lực mỗi khi khó khăn, chán nản.

"Bạn sẽ trở thành điều mà bạn nghĩ đến suốt cả ngày"
"Bạn sẽ trở thành điều mà bạn nghĩ đến suốt cả ngày"

"Khoán" riêng sáng sớm chỉ dành cho tiếng Anh


Muốn giỏi tiếng Anh, bạn cần luyện đều đặn hàng ngày. Nhưng lúc nào, chúng ta cũng tìm ra lý do để trì hoãn, bởi không có thời gian. Vậy hỏi nhỏ nè, điều đầu tiên bạn làm khi thức dậy mỗi sáng là gì? Ôm điện thoại, lướt facebook, đọc báo?

Tại sao bạn không thử dành những giây phút năng lượng nhất của một ngày đó cho việc học tiếng Anh? 30 – 45’ đầu tiên mỗi sáng là khoảng thời gian thực sự quý báu. Vì đó là khoảng thời gian chúng ta ưu tiên dành cho bản thân trước khi bước ra ngoài, dành hết thời gian cho những công việc khác. Hãy tận dụng nó xứng đáng, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt!

Vài người mơ về thành công, trong khi những người khác thì thức dậy mỗi sáng để biến giấc mơ thành hiện thực.
Vài người mơ về thành công, trong khi những người khác thì thức dậy mỗi sáng để biến giấc mơ thành hiện thực.

Cài đặt lộ trình với những cột mốc cụ thể

Chia nhỏ hành trình và nhìn thấy rõ ràng những mốc kết quả cần đạt được sẽ giúp bạn thoát khỏi cảm giác mơ hồ. Có rất nhiều lộ trình học tiếng Anh được đăng tải trên mạng. Tuy nhiên, để có thể tìm cho mình lộ trình phù hợp nhất, bạn nên tham khảo tại những trung tâm uy tín để được tư vấn. Một lộ trình học được kiểm chứng kỹ càng và được nhiều người thực hiện thành công chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều. Họ làm được, tại sao bạn lại không?

Lộ trình phát triển của học viên khóa "Anh Ngữ Cấp Tốc cho người mất gốc" tại Benative
Lộ trình phát triển của học viên khóa "Anh Ngữ Cấp Tốc cho người mất gốc" tại Benative
Hành trình vạn dặm phải bắt đầu từ bước chân đầu tiên! Đừng chần chừ thêm nữa. Bạn chắc chắn làm được!

Nguồn: Kênh 14

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Lý do bạn giỏi tiếng Anh, nhưng giao tiếp không tốt

Những đứa trẻ bán báo, đánh giày bắt chuyện với người nước ngoài tự tin hơn nhiều sinh viên. Lý do là vì sao, cùng mình tìm hiểu nhé.

Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ về mục đích giao tiếp khi học tiếng Anh. 
Suốt những năm ở Đại học Hà Nội, tôi có một sự ghen tị và ngưỡng mộ nghe có vẻ rất vô lý. Tôi thầm ngưỡng mộ tiếng Anh của những đứa trẻ đánh giày và bán báo trên Hồ Gươm.
Quả là kỳ lạ phải không? Tôi được học trường tốt, giáo viên xuất sắc, bạn bè đồng lứa toàn những người giỏi giang và cũng là một sinh viên “không đến nỗi nào”. Nhưng sự thực là, tôi không tự tin giao tiếp với người nước ngoài, giống như những em bé bán báo kia.

So sánh giữa tôi và họ, rõ ràng là tôi hơn hẳn. Tôi nhiều từ vựng hơn, nhiều ngữ pháp hơn, được luyện nghe nhiều hơn trong những bối cảnh phức tạp hơn. Nhưng điều đó không khỏa lấp được sự thực là tôi không giao tiếp tốt hơn các em bán báo. Và tôi nói điều đó một cách chân thành.

Lý do thì có nhiều, nhưng một trong số đó là thái độ (attitude) trong giao tiếp. Ở trường học, tôi được dạy phải viết chuẩn, nói chuẩn. Thế nên khi ra ngoài, chỉ cần nghe người bản xứ nói là tôi đã sởn hết cả da gà. Tôi sợ! Tôi sợ vì sự khác biệt quá lớn trong cách nói của họ với mình. Họ luyến láy, lên xuống, nhấn nhá nối âm cứ như đang hát vậy. Tôi cố gắng “hát” giống họ, nhưng càng cố càng tự ti, nên lâu dần thấy nản, gặp Tây là... lảng.

Những đứa trẻ bán báo, đánh giày thì khác. Với vốn tiếng Anh rất cơ bản, các em lại giao tiếp vô cùng hiệu quả. Lý do là mục tiêu của các em không phải để khoe một thứ tiếng Anh hoàn hảo, mà là để đánh được một đôi giày, bán được một tờ báo. Vì thế, các em cứ thấy "Tây" là đến mời chào, giới thiệu sản phẩm. Lâu dần, tiếng Anh cải thiện nhiều, nghe hiểu cơ bản đều ổn, giao tiếp tốt.

Có người đã so sánh rất hay hai cách tiếp cận tiếng Anh. Thứ nhất là học kiểu hàn lâm, giống như học piano. Học trò rất sợ mắc lỗi, và họ thấy con đường để đạt chuẩn của mình xa vời vợi. Cách tiếp cận thứ hai giống như chơi game, không quan trọng người chơi mắc bao nhiêu lỗi, mục tiêu quan trọng nhất là qua bài.

Sự thực thì giao tiếp tiếng Anh giống với chơi game hơn là học đàn. Điểm quan trọng nhất là bạn diễn đạt được ý tưởng của mình: “I student, you teacher. I learn you”. Sẽ không có vấn đề quá lớn khi bạn viết “environment” thành “envirnmt”, miễn người đọc vẫn hiểu được ý của bạn. Và tốt nhất, người học tiếng Anh nên có tinh thần của một game thủ hơn là một người học piano.

Đó là lý do khi dạy giao tiếp, một mặt tôi vẫn chỉ ra lỗi của học viên để họ cải thiện, mặt khác luôn nhắc nhở họ không cần quá chú ý vào những lỗi đó để tập trung vào việc nghe và hiểu trong giao tiếp.

Nguồn: vnexpress

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Giáo viên lo lắng, hoang mang vì thi ngoại ngữ tiếng Anh

Không ít thầy cô vẫn hoang mang, người sợ nếu không thi, sau này ngành giáo dục đòi chứng chỉ biết lấy đâu ra? Người sợ thi không đậu sẽ “sôi hỏng bỏng không”

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đã gửi công văn cho hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục, các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố thông báo về kế hoạch thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Công văn nêu rõ: “Công chức, viên chức đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhu cầu thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì đăng kí dự thi và mức lệ phí 1.8000.000 đồng/thí sinh (một triệu tám trăm nghìn đồng).

Nhận công văn các trường học trên địa bàn đã triển khai đến toàn thể giáo viên, dù trong công văn nêu rõ ai có nhu cầu đăng kí dự thi.

Thế nhưng không ít thầy cô vẫn hoang mang, lo lắng. Người sợ nếu không thi, sau này ngành giáo dục đòi chứng chỉ biết lấy đâu ra? Người sợ thi không đậu sẽ “sôi hỏng bỏng không”…

lo lang vi mon tieng Anh


Trao đổi với ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục Bình Thuận được biết, với giáo viên không chuyên ngữ thì không bắt buộc phải dự thi.

Giáo viên nào có nhu cầu thăng hạng thì đăng kí dự thi, các trường sẽ báo số lượng giáo viên dự thi về sở để sở làm việc với trường đại học mời họ về Phan Thiết tổ chức thi sẽ giảm việc đi lại cho giáo viên vào Sài Gòn.

Ông Thái khẳng định, chi phí thi tập trung tại Phan Thiết sẽ giảm đi phân nửa.

Quy định thăng hạng giáo viên phải có bằng chuẩn ngoại ngữ đã phù hợp chưa?

Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định về xét thăng hạng chức danh của giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có bằng ngoại ngữ.

Ví dụ, giáo viên hạng 2 “Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc”.

Đây chính là rào cản quá lớn đối với giáo viên hiện nay. Những giáo viên mới ra trường vài năm gần đây còn đỡ, giáo viên thế hệ 6x, 7x có nhiều người suốt 12 năm học chưa từng biết một chữ tiếng Anh. Nay muốn lấy được cái bằng theo chuẩn quy định hóa ra là đánh đố hay sao?

Nếu để học, thời gian nào giáo viên có thể đi học trong khi họ dạy ngày 2 buổi cho đến hết tuần? Ngày chủ nhật còn hàng đống hồ sơ sổ sách?

Nếu muốn có chứng chỉ bằng cách khác cũng chẳng thể có tiền để nộp. Giá cả cho một tấm chứng chỉ, nơi mươi triệu đồng, nơi dăm triệu, ít nhất như tỉnh Bình Thuận cũng gần 2 triệu đồng chưa kể tiền tàu xe, ăn ở đi lại.

Một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường học, giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường ăn lương hệ trung cấp.Có chứng chỉ ngoại ngữ cũng chưa đủ điều kiện nâng hạng. Còn bằng Tin học, chứng chỉ về kiến thức khi học bồi dưỡng nâng ngạch…còn biết bao thứ khác bủa vây.

Ai chẳng có khát khao được nâng ngạch để biết mình được sử dụng đúng như năng lực học tập của bản thân. Đồng thời để cải thiện cuộc sống (ăn lương từ trung cấp lên đại học).

Thế nhưng lương có thể cải thiện một bậc từ (0.20 mức trung cấp lên 0.33 mức đại học) mà phải bỏ ra số tiền tăng lương hàng chục năm mới có được. Nghe thật xót xa và nhói lòng.

Học mà nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn để dạy học được tốt thì thầy cô nào cũng phải ráng mà học.

Nhưng, học mà chẳng nâng cao được gì, chẳng giúp thêm gì cho học sinh, chỉ có cái hầu bao bị vơi bớt quả là uổng phí.

Nếu ai đó không tin điều này, cứ thử làm cuộc khảo sát một vài người trước và sau lấy được chứng chỉ ngoại ngữ xem trình độ của họ có khác nhau không?

Nên bỏ quy định thi thăng hạng giáo viên, xếp lương cần căn cứ vào văn bằng

Cứ như ngày xưa, giáo viên tốt nghiệp trung cấp ăn lương 1.86, tốt nghiệp cao đẳng nhận hệ số 2.10, tốt nghiệp đại học 2.34.

Có thế, ngành giáo dục mới khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn cho chính mình.

Kiểu quy định thăng hạng với khá nhiều tiêu chí khó bủa vây như có chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, chứng chỉ tin học…như hiện nay không những sẽ triệt tiêu tinh thần học tập của giáo viên mà còn trực tiếp đẩy thầy cô giáo vốn đã nghèo khó vào cuộc sống khó khăn thiếu thốn hơn khi liên tục phải rút hầu bao chi cho việc hợp thức hóa một số chứng chỉ theo quy định.
Nguồn: Báo giáo dục

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Cậu bé 3 tuổi đã biết đọc và tự học tiếng Anh

Hơn một năm trước, ba mẹ bé Nguyễn Hoàng Nam còn lo lắng vì đã hai tuổi rưỡi mà cậu bé vẫn chưa biết nói. Nhưng bây giờ cháu đã biết đọc và tự học tiếng Anh.

Khi khách đến thăm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Út Em và chị Lê Thị Màng thay nhau hỏi thật nhiều để khoe với khách về khả năng đặc biệt của con trai Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 2014 đang sống tại thôn Di Đông, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quả tình, Nam đã trả lời rất nhanh sau mỗi câu hỏi của ba mẹ.
Hoc tieng Anh

Cậu bé 3 tuổi đã biết học tiếng Anh

Hơn một năm trước, ba mẹ bé Nam còn lo lắng vì đã hai tuổi rưỡi mà cậu bé vẫn chưa biết nói. Thế nhưng, bắt đầu từ 3 tuổi, Nam đã để cho ba mẹ, cô giáo và bà con trong xóm chứng kiến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Chị Màng cho biết, thi thoảng nghe con đọc một vài câu chữ gì đó là lạ, cứ nghĩ là tình cờ nên không quan tâm, cho đến cách đây một năm, khi cháu đang học lớp bé tại trường Mầm non Phú Hồ, cô giáo thông báo nhà trường vừa phát hiện cháu đã biết đọc chữ thì chị mới vỡ lẽ là con vẫn thường đọc những câu xuất hiện trên ti vi.

Cô giáo của Nam kể lại, khi đó vào giờ ra chơi, các cô đang trang trí lớp học thì nghe cháu đọc rõ ràng những câu dán trên tường, như: "Bé yêu vận động", "Vận động cùng bé"... Thấy lạ, các cô hỏi thì cháu nhìn vào bảng tên của từng cô đọc không sai từ nào. Tiếp đó, cô giáo Dương Thị Sa đưa cuốn sách âm nhạc để cháu đọc trang "Lời nói đầu" và tất cả đều ngạc nhiên vì cháu đọc lưu loát cả trang giấy mà không sai từ nào dù trong đó có khá nhiều từ khó như: Địa phương, triển khai, tuyển chọn, có tác dụng thiết thực...

Khi chúng tôi đến nhà, trong lúc ba mẹ Nam đang lo công việc sau bếp thì cậu bé thản nhiên xem tivi, chẳng quan tâm đến sự có mặt của người lạ. Bé Nam dò tìm chương trình dạy bé học tiếng Anh... trên YouTube. Có vẻ đây là chương tình yêu thích của cậu bé. Có lúc, cu cậu bỗng nhiên vừa cười vừa đọc to "4 lỗi chết người khi phát âm sai tiếng Anh", một lúc sau lại nhún nhảy hát theo người dẫn chương trình một bài hát bằng tiếng Anh…

Sẵn cuốn sách tiếng Anh lớp 4 của anh trai cháu trên bàn, tôi dỗ khéo và chỉ vào một đoạn trong sách, yêu cầu Nam đọc "Nice to meet you, too. Where are you from, Akiko" Nam vẫn đọc vanh vách và phát âm rất chuẩn. Để chứng minh con trai mình còn giỏi toán, chị Màng hỏi và Nam cũng trả lời rất nhanh và chính xác. Anh Út Em giải thích: “Cháu Nam không chỉ nhanh miệng, hoạt bát mà còn hát hay nữa". Anh còn tiết lộ thêm, tuy chưa biết viết, nhưng một trong những trò chơi của cháu là lấy que tăm để xếp chữ.

Trường hợp một cháu bé biết cộng trừ, đọc lưu loát tiếng Việt, biết nhiều từ tiếng Anh và trả lời đúng tên thủ đô của nhiều nước trên thế giới từ khi mới 3 tuổi không phải chưa từng có. Nhưng với cháu Nguyễn Hoàng Nam có thể xem là đặc biệt hơn vì ba mẹ cháu không hề dạy trước. Bố mẹ cháu quá bận việc ở khu công nghiệp Phú Bài, anh chị đều chưa học hết trung học phổ thông.

Để bảo đảm công việc ở nhà máy và lo chăm sóc hai con, anh chị phải xin làm ca lệnh nhau nên không có điều kiện dạy thêm cho các con học hành. Theo cô giáo Bùi Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Hồ thì quy định của Bộ GD&ĐT các trường mầm non chỉ được phép dạy cho các cháu lớp 5 tuổi nhận biết được 29 chữ cái, ngoài ra không được phép dạy chữ ghép trong trường mầm non. Như vậy, có thể khẳng định tất cả những gì Nam tiếp thu được chỉ từ chiếc tivi.

Anh Nguyễn Văn Út Em trải lòng: "Con có khả năng đặc biệt khiến vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Phần lo cháu có gì khác thường hay không? Phần lo không đủ điều kiện để con phát huy hết khả năng".

Lo lắng của anh Út Em cũng là trăn trở của chính quyền địa phương. Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ, nói: "Chúng tôi rất vui mừng vì quê hương có một cháu bé tài giỏi lạ thường, nhưng với điều kiện cấp xã, chúng tôi vẫn chưa tìm được phương án hỗ trợ gia đình để tạo điều kiện cho cháu phát huy hết khả năng thiên bẩm nên rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành giáo dục".
Nguồn: Zing

 
function remove_hentry( $classes ) { if (is_page() || is_archive()){$classes = array_diff( $classes, array('hentry'));}return $classes;} add_filter( 'post_class','remove_hentry' );