Các chuyên gia cảnh báo cha mẹ ép con học ngoại ngữ sai cách có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ do học tiếng Anh không đúng cách Với những trẻ có rắc rối tiềm ẩn về ngôn ngữ, việc chưa thạo tiếng mẹ đẻ đã tiếp xúc ngoại ngữ sẽ khiến vấn đề của các em phức tạp hơn.
Có gia đình nộp 100 triệu đồng/năm cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội, xin tư vấn về ngôn ngữ.
Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Do không biết, trước đó, phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách.
Kể lại câu chuyện trên, cô giáo trẻ Cù Thị Lý cho biết đó chỉ là một trong số rất nhiều trẻ có vấn đề về ngôn ngữ khi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục. Phần lớn trẻ đến đây thăm khám khi 2-3 tuổi, nhiều bé chưa biết nói.
Theo một số chuyên gia, nhiều phụ huynh ép con học tiếng Anh hơn cả tiếng Việt ngay từ lúc chưa đến trường hoặc để trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng lên mạng học ngoại ngữ cả ngày mà không có sự hướng dẫn, tương tác, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các bé.
Loạn ngôn ngữ vì học tiếng Anh sai phương pháp
Chị Lý kể bé Na (đã đổi tên) được bố mẹ đưa đến trung tâm lúc 2,5 tuổi, khi gia đình phát hiện em không chủ động được ngôn ngữ. Qua kiểm tra, tiếp xúc, các chuyên viên về tâm lý, trị liệu cho biết không chỉ ngôn ngữ, mà hành vi, cảm xúc của Na cũng có vấn đề.
Khó khăn lớn nhất khi điều trị là bé chỉ thích nói tiếng Anh, với các từ rời rạc, câu tự phát. Nhưng khi hỏi, Na không đối đáp được.
Cô giáo Cù Thị Lý đang trị liệu cho trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ.
Tương tự Na, hơn một năm trước, bé Nam cũng chỉ thích nói tiếng Anh mà bỏ qua tiếng mẹ đẻ. Ban đầu, bố mẹ bé rất tự hào vì con giỏi ngoại ngữ, được nhiều người gọi là thần đồng. Thấy vậy, cha mẹ càng khuyến khích con chỉ nói tiếng Anh mà không học tiếng Việt.
Các chuyên gia cảnh báo việc để trẻ học tiếng Anh không đúng cách có thể không tốt cho sự phát triển của trẻ. "Không đúng cách" ở đây được hiểu là ép trẻ học tiếng Anh hơn cả tiếng mẹ đẻ một cách quá mức, dù chưa đến trường và để con xem video trên mạng nhiều giờ mà không có sự hướng dẫn, tương tác.
Ví dụ trường hợp của bé Na, bố làm xây dựng, mẹ kinh doanh. Không có nhiều thời gian, họ sử dụng điện thoại như "bảo mẫu" từ khi con mới ba tháng tuổi. Na xem điện thoại cả ngày, chỉ trừ lúc đi ngủ. Bé thích các bài hát, học tiếng Anh qua video trên mạng.
Chị Lý cho rằng khả năng ngoại ngữ của Na chỉ là “chụp hình”, chứ bé không hiểu được vấn đề, sự vật và hiện tượng. Do đó, em cũng không có khả năng giao tiếp. Hiện tại, Na 4 tuổi, vừa học mẫu giáo trường công lập, vừa tham gia trị liệu, ngôn ngữ và có biến chuyển tích cực.
Theo các chuyên gia trị liệu, không chỉ Na, nhiều bé học và nói tiếng Anh tự phát kiểu "cây nhà lá vườn", do cha mẹ gây áp lực, muốn con phải giỏi từ sớm, hoặc xem trên mạng. Thậm chí, không ít phụ huynh muốn con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt nên đổ tiền đầu tư cho ngoại ngữ.
TS.BS Lã Thị Bưởi - chuyên khoa Tâm thần học, giảng viên chính Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - cho hay trẻ sinh ra trong gia đình nói cả hai ngôn ngữ cũng có thể bị rối loạn.
TS Bưởi từng tư vấn cho gia đình có mẹ người Việt, bố người Nhật, họ sử dụng cả tiếng Anh. Trẻ 27 tháng không biết nói khiến bố mẹ lo lắng. Nữ tiến sĩ khuyên nên để trẻ giao tiếp được bằng tiếng Việt (là nơi gia đình đa ngôn ngữ của bé sinh sống) trước khi tiếp cận ngôn ngữ khác, trong đó có ngôn ngữ của bố.
Trong khi đó, thạc sĩ Lã Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục - cho rằng trẻ vẫn có thể tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nhưng nên khống chế thời lượng, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn.
Nên điều trị từ dưới 3 tuổi
Hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ Bưởi bày tỏ việc rối loạn ngôn ngữ của trẻ thường kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí hơn 2 năm.
Trẻ có vấn đề về ngôn ngữ sẽ được giáo viên hướng dẫn làm các bài trắc nghiệm để kiểm tra vốn từ, phản xạ. Nếu bị loạn ngữ mà không được điều trị, trẻ khó hòa đồng khi đi học, sau đó kéo theo các hệ lụy tâm lý như cáu gắt, bạo lực. Việc can thiệp vào ngôn ngữ với bé từ 3 tuổi trở lên sẽ khó hơn khi còn nhỏ.
Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng trẻ có thể tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nhưng với thời lượng ít, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn.
Ngoài nguyên nhân chủ quan đến từ cha mẹ, chị Cù Thị Lý cho hay trẻ bị vấn đề về tai, mũi, họng, ảnh hưởng từ chứng bệnh bại não, hoặc do di truyền, cũng có thể khiến rối loạn ngôn ngữ.
Theo thạc sĩ Lã Linh Nga, từ năm 2005, khi việc học tiếng Anh còn chưa thịnh hành như hiện nay, bà đã tiếp nhận trường hợp trẻ loạn ngữ do sinh ra trong môi trường có cha mẹ sử dụng hai thứ tiếng khác nhau.
Trong giai đoạn 2010-2014, số lượng học sinh khám tại trung tâm tăng gấp đôi. Từ năm 2014 đến nay, nhiều trung tâm, bệnh viện mở dịch vụ khám tâm lý, ngôn ngữ, vì nhu cầu của phụ huynh tăng. Điều này được lý giải là khoảng 5 năm nay, smartphone, iPad trở nên thông dụng. Nhiều cha mẹ muốn con học ngoại ngữ sớm nhưng lại sai cách, trong đó có việc tự xem video trên mạng.
Theo thạc sĩ Lã Linh Nga, khi trẻ nói tiếng Anh nhờ xem từ các công cụ này, cha mẹ cứ tưởng con mình là thần đồng, nhưng đó chỉ là "vỏ ngôn ngữ". Như vậy, bố mẹ vô tình làm cho trẻ “trượt” qua các ô rối loạn mà không hay biết.
Bà Nga thông tin sau 15 tháng tuổi, cha mẹ có thể theo dõi việc con phản xạ với lời nói. Đến 2 tuổi, nếu thấy con tiếp xúc mắt với mắt, tương tác ngôn ngữ, cử chỉ chậm, phụ huynh có thể đưa đi khám ngay. Trẻ có thể bị rối loạn đơn thuần hoặc rối loạn lẫn tự kỷ. Các bé sẽ được trị liệu một thầy một trò hay theo nhóm.
Nguồn: Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét