Không ít thầy cô vẫn hoang mang, người sợ nếu không thi, sau này ngành giáo dục đòi chứng chỉ biết lấy đâu ra? Người sợ thi không đậu sẽ “sôi hỏng bỏng không”
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận đã gửi công văn cho hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục, các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố thông báo về kế hoạch thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Công văn nêu rõ: “Công chức, viên chức đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhu cầu thi cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì đăng kí dự thi và mức lệ phí 1.8000.000 đồng/thí sinh (một triệu tám trăm nghìn đồng).
Nhận công văn các trường học trên địa bàn đã triển khai đến toàn thể giáo viên, dù trong công văn nêu rõ ai có nhu cầu đăng kí dự thi.
Thế nhưng không ít thầy cô vẫn hoang mang, lo lắng. Người sợ nếu không thi, sau này ngành giáo dục đòi chứng chỉ biết lấy đâu ra? Người sợ thi không đậu sẽ “sôi hỏng bỏng không”…
Trao đổi với ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục Bình Thuận được biết, với giáo viên không chuyên ngữ thì không bắt buộc phải dự thi.
Giáo viên nào có nhu cầu thăng hạng thì đăng kí dự thi, các trường sẽ báo số lượng giáo viên dự thi về sở để sở làm việc với trường đại học mời họ về Phan Thiết tổ chức thi sẽ giảm việc đi lại cho giáo viên vào Sài Gòn.
Ông Thái khẳng định, chi phí thi tập trung tại Phan Thiết sẽ giảm đi phân nửa.
Quy định thăng hạng giáo viên phải có bằng chuẩn ngoại ngữ đã phù hợp chưa?
Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định về xét thăng hạng chức danh của giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có bằng ngoại ngữ.
Ví dụ, giáo viên hạng 2 “Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc”.
Đây chính là rào cản quá lớn đối với giáo viên hiện nay. Những giáo viên mới ra trường vài năm gần đây còn đỡ, giáo viên thế hệ 6x, 7x có nhiều người suốt 12 năm học chưa từng biết một chữ tiếng Anh. Nay muốn lấy được cái bằng theo chuẩn quy định hóa ra là đánh đố hay sao?
Nếu để học, thời gian nào giáo viên có thể đi học trong khi họ dạy ngày 2 buổi cho đến hết tuần? Ngày chủ nhật còn hàng đống hồ sơ sổ sách?
Nếu muốn có chứng chỉ bằng cách khác cũng chẳng thể có tiền để nộp. Giá cả cho một tấm chứng chỉ, nơi mươi triệu đồng, nơi dăm triệu, ít nhất như tỉnh Bình Thuận cũng gần 2 triệu đồng chưa kể tiền tàu xe, ăn ở đi lại.
Một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường học, giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường ăn lương hệ trung cấp.Có chứng chỉ ngoại ngữ cũng chưa đủ điều kiện nâng hạng. Còn bằng Tin học, chứng chỉ về kiến thức khi học bồi dưỡng nâng ngạch…còn biết bao thứ khác bủa vây.
Ai chẳng có khát khao được nâng ngạch để biết mình được sử dụng đúng như năng lực học tập của bản thân. Đồng thời để cải thiện cuộc sống (ăn lương từ trung cấp lên đại học).
Thế nhưng lương có thể cải thiện một bậc từ (0.20 mức trung cấp lên 0.33 mức đại học) mà phải bỏ ra số tiền tăng lương hàng chục năm mới có được. Nghe thật xót xa và nhói lòng.
Học mà nâng cao trình độ nhận thức, trình độ chuyên môn để dạy học được tốt thì thầy cô nào cũng phải ráng mà học.
Nhưng, học mà chẳng nâng cao được gì, chẳng giúp thêm gì cho học sinh, chỉ có cái hầu bao bị vơi bớt quả là uổng phí.
Nếu ai đó không tin điều này, cứ thử làm cuộc khảo sát một vài người trước và sau lấy được chứng chỉ ngoại ngữ xem trình độ của họ có khác nhau không?
Nên bỏ quy định thi thăng hạng giáo viên, xếp lương cần căn cứ vào văn bằng
Cứ như ngày xưa, giáo viên tốt nghiệp trung cấp ăn lương 1.86, tốt nghiệp cao đẳng nhận hệ số 2.10, tốt nghiệp đại học 2.34.
Có thế, ngành giáo dục mới khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn cho chính mình.
Kiểu quy định thăng hạng với khá nhiều tiêu chí khó bủa vây như có chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, chứng chỉ tin học…như hiện nay không những sẽ triệt tiêu tinh thần học tập của giáo viên mà còn trực tiếp đẩy thầy cô giáo vốn đã nghèo khó vào cuộc sống khó khăn thiếu thốn hơn khi liên tục phải rút hầu bao chi cho việc hợp thức hóa một số chứng chỉ theo quy định.
Nguồn: Báo giáo dục
0 nhận xét:
Đăng nhận xét